Khóa tập huấn mùa hè Luật Nhân đạo Quốc tế

Trong ba ngày từ 10/6 – 12/6/2019, tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã phối hợp với trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Văn phòng Đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Hà Nội (ICRC) tổ chức khóa tập huấn về “Luật Nhân Đạo Quốc tế”

Tham dự khóa tập huấn, về phía Văn phòng Đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) có Bà Fiona Barnaby – Regional Legal Adviser, ICRC. Đại học Hàng hải Việt Nam có, TS. Nguyễn Khắc Khiêm – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam; TS. Nguyễn Mạnh Cường – Chủ nhiệm Khoa Hàng hải; TS. Nguyễn Thành Lê – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hàng hải. Về phía các đơn vị tham gia có, Thượng Tá. TS. Lê Ngọc Sơn – Trung tâm gìn giữ Hòa bình quốc tế Việt Nam, Bộ Quốc Phòng; TS. Hoàng Ly Anh – Đại học Luật Hà Nội. Về phía Khoa Luật có, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa; PGS. TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc Tế và các giảng viên từ các đơn vị trong nước như Khoa Luật, ĐHQGHN; Đại học Luật Hà Nội; Đại học Hàng Hải; Đại học Công Nghiệp; Đại học Đồng Tháp; Đại học Mở; Đại học Thái Nguyên; Học Viện Ngoại Giao….cùng các bạn nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên.

Luật Nhân đạo Quốc tế hay còn gọi là Luật Xung đột vũ trang là hệ thống các nguyên tắc, quy phạm quốc tế, quy định cách thức tiến hành và việc bảo vệ con người trong các cuộc xung đột vũ trang. Cho đến nay, có khoảng 70 điều ước quốc tế khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực này. Việt Nam là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và vẫn còn phải chịu những hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh nên hơn ai hết, Việt Nam đề cao ý nghĩa của việc tôn trọng các giá trị cốt lõi của luật nhân đạo quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới sớm gia nhập và là thành viên của nhiều điều ước trong lĩnh vực Luật Nhân đạo Quốc tế. Cách đây đúng 62 năm, ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Công hàm tuyên bố Việt Nam gia nhập các Công ước Geneva năm 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, là minh chứng cho chính sách của Việt Nam đề cao việc tôn trọng Luật nhân đạo quốc tế và thúc đẩy thực thi luật nhân đạo quốc tế nói riêng cũng như luật pháp quốc tế nói chung, đồng thời đề cao truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung của dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình diễn ra khóa tập huấn, các nội dung tổng quát, liên quan cụ thể đến Luật Nhân Đạo Quốc tế đã được trao đổi, cung cấp, chia sẻ tới người tham gia như: Tổng quan về Luật Nhân Đạo Quốc tế (IHL); Các điều ước quốc tế về Luật Nhân Đạo Quốc tế và vấn đề tham gia của Việt nam; Chức năng và các hoạt động của Hội chữ Thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC); Mối quan hệ giữa Luật Nhân đạo Quốc tế và Luật Nhân quyền Quốc tế; Vấn đề thực thi Luật Nhân đạo Quốc tế trong khu vực ASEAN; Những vấn đề phát triển mới của Luật Nhân đạo Quốc tế - Cơ hội cho Việt Nam;….Khóa tập huấn đã mở ra cơ hội cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các thầy, cô giáo và học viên có cái nhìn tổng quan về Luật Nhân đạo Quốc tế và những vấn đề liên quan đến IHL trong quá trình áp dụng vào thực tiễn trên thế giới và những gợi mở, cơ hội, thách thức trong quá trình vận dụng và đào tạo IHL tại Việt Nam ngày nay. Người tham gia còn được lắng nghe những chia sẻ về thực tiễn về hoạt động gìn giữ hòa bình của quân đội nhân dân Việt Nam đang hoạt động tại các phái bộ tại Trung Phi và Nam Sudan, cung cấp thêm những hiểu biết chân thực về những hoạt động thực thi Luật Nhân đạo Quốc tế và có những đánh giá xác đáng về hoạt động của Việt Nam trong lĩnh vực này. Kết thúc khóa tập huấn, đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã trao chứng nhận cho tất cả người tham gia khóa tập huấn.

Một số hình ảnh của khóa tập huấn: